Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cảnh báo về tình trạng gọi điện lừa đảo
Ngày 14/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 677/SGDĐT-CTTT-KHCN gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cùng Hiệu trưởng các trường học thuộc Sở về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa |
Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gọi điện và nhắn tin cho người thân, cha, mẹ học sinh thông báo con em trong gia đình bị tai nạn đang cấp cứu hoặc nằm viện, cần chuyển tiền ngay để mổ hoặc nhập viện điều trị nhằm chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.
Để phòng, chống hiệu quả hành vi lừa đảo trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu ngành giáo dục toàn thành phố tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo cha, mẹ học sinh ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.
Các đơn vị, nhà trường quán triệt đến cha, mẹ học sinh toàn trường: Trường hợp nhận được cuộc gọi hoặc nhắn tin từ số máy lạ thông báo về việc học sinh là con em của gia đình bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện, cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, phụ huynh liên hệ ngay với nhà trường để xác minh thông tin chính xác và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh; đồng thời tăng cường phối hợp thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình, thông báo số điện thoại đường dây nóng của trường đến cha, mẹ học sinh và công khai trên Cổng thông tin điện tử của trường. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần có phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về những sự việc và thủ đoạn lừa đảo để thông tin rộng rãi đến cha, mẹ học sinh nhà trường.
Tạm giam Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi
Ngày 14/3, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết vừa có lệnh tạm giam 3 tháng đối với ông Phạm Ngọc Phượng (53 tuổi, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”.
Trụ sở Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Đông Huyền/Nhân dân) |
Trước đó, ngày 26/2, ông Phạm Ngọc Phượng bị tạm giam để điều tra hành vi "nhận hối lộ" liên quan đến một vụ án tại Quảng Ngãi.
Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi được thành lập năm 2016 trên cơ sở tổ chức lại Phòng Giám định pháp y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Phạm Ngọc Phượng được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm.
Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi có địa chỉ tại 416 tại đường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức năng tổ chức thực hiện giám định pháp y, giám định tử thi, giám định thương tích khi có quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc tổ chức, cá nhân.
Gần 100 người thiệt mạng ở Malawi vì bão Freddy
Tổng thống Malawi, Lazarus Chakwera đã ban bố tình trạng thảm họa thiên tai tại 10 khu vực miền Nam nước này do cơn bão mạnh Freddy.
Một ngôi nhà bị phá hủy do bão Freddy tại Blantyre, Malawi ngày 13/3 (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 13/3, Tổng thống Chakwera bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức độ tàn phá mà bão Freddy đang gây ra cho hầu hết các khu vực. Hiện chính phủ ở quốc gia phía Nam châu Phi này đã kêu gọi chính quyền các địa phương và quốc tế hỗ trợ tài chính để giúp các gia đình bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả thiên tai.
Quan chức thuộc Bộ Quản lý và ứng phó thảm họa Malawi - ông Charles Kalemba cho biết bão nhiệt đới Freddy đã gây ảnh hưởng nặng nề tại 10 khu vực, cướp đi sinh mạng của 99 người ở Malawi, tính đến hết ngày 13/3, trong đó 85 trường hợp ghi nhận tại thành phố thương mại Blantyre. Số trường hợp bị thương nặng là 134 người, vẫn còn rất nhiều người mất tích, trong khi hàng nghìn người đã phải di dời nơi ở.
Nhiều nhà dân bị sập do lũ quét và lở đất. Đặc biệt, mưa lớn cùng lở đất tại khe núi Soche ở thành phố Blantyre đã tạo nên một dòng nước lớn, kéo theo nhiều bùn và đất đá, cuốn trôi nhiều nhà dân và cư dân sinh sống ở gần đó. Lốc xoáy cũng đã phá hủy cơ sở hạ tầng phát điện, khiến gần như toàn bộ đất nước Malawi mất điện sinh hoạt kể từ sáng 13/3.
Trước khi đổ bộ miền Nam Malawi, bão Freddy cũng đã đổ bộ miền Trung Mozambique với sức gió 148 km/giờ, gây ra sạt lở đất, làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết OCHA và các đối tác trong hoạt động nhân đạo đang phối hợp chặt chẽ với cả hai chính phủ (Mozambique và Malawi) để ứng phó với bão Freddy và dịch tả, trong bối cảnh cả hai nước đang dốc toàn lực để dập tắt đợt dịch này thì bão đổ bộ./.