Đồng Nai: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Sáng 25/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Lê Viết Hưng, sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để điều tra vì liên quan đến vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và vi phạm các quy định về quản lý đất đai, xảy ra tại Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh thành phố Biên Hòa.
Công an tỉnh Đồng Nai công bố lệnh bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Viết Hưng (Ảnh: TTXVN) |
Cùng với bị can Lê Viết Hưng, Nguyễn Tấn Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cũng bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự.
Lực lượng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở đối với hai bị can nêu trên.
Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đề nghị truy tố nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội)
Ngày 25/1, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kết luận điều tra vụ án "tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ông Phùng Anh Lê (Ảnh: VOV) |
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Hà Nội, về tội danh trên. Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố: Nguyễn Đức Châu, nguyên Đội trưởng Cảnh sát Hình sự; Vũ Công Ngọc, nguyên Đội phó Cảnh sát Hình sự và Lê Đình Trung, nguyên Đội phó Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Theo kết luận, từ tháng 6/2016, Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thụ lý vụ việc anh Nguyễn Công Thành tố giác bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Sau khi được cấp dưới báo cáo, ông Phùng Anh Lê khi đó là Trưởng Công an quận đã giao cho Phó trưởng Công an quận Phạm Quý Hải và đội Cảnh sát Hình sự xác minh, cử cán bộ đến Công an phường Yên Phụ giải quyết theo đơn tố giác. Sau khi xác minh, đội Cảnh sát Hình sự của Công an quận xác định Nguyễn Hữu Tài, 29 tuổi, cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội. Nguyễn Hữu Tài cũng đến Công an quận Tây Hồ đầu thú. Điều tra viên của đội hình sự đã đề xuất tạm giữ Tài để điều tra và bắt các nghi phạm liên quan.
Sau khi Ngọc và Châu đề xuất, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ Phạm Quý Hải đã ký duyệt đề xuất và ký quyết định tạm giữ nghi phạm Tài về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Tối 22/9, nghi phạm Tài bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ.
Tuy nhiên, người nhà của Tài đã nhờ người quen "bắt mối" với Trưởng Công an quận Tây Hồ nhờ giúp đỡ. Ông Phùng Anh Lê đã thông báo gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại. Người quen của gia đình Tài đã mang 110 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho ông Lê, đặt lên bàn làm việc và nhờ giúp hòa giải. Sau khi nhận tiền, ông Lê gọi điện thoại cho thuộc cấp yêu cầu mang tài liệu xuống xem xét. Ông Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu nên đã ra chỉ đạo "phải đưa nghi phạm ra khỏi nhà tạm giữ và cho viết cam kết để tránh tự sát". Ngọc lúc đó cho rằng Tài đang thi hành quyết định tạm giữ nên muốn cho về phải có quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc quyết định trả tự do. Ông Lê "không quan tâm" và vẫn chỉ đạo Ngọc tiếp tục thực hiện theo "lệnh".
Theo kết luận, quá trình điều tra, bị can Phùng Anh Lê không khai nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho các bị can khác. Ba thuộc cấp của ông Lê thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát cho rằng, căn cứ vào lời khai của các bị can và những người liên quan khác, đủ cơ sở khẳng định ông Lê đã phạm vào tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ.
Bên cạnh đó, ngày 22/1/2021, Công an thành phố Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Hữu Tài cùng đồng bọn về tội cướp tài sản.
Phẫu thuật thành công cắt thùy trên phổi phải, gắp đầu đạn nằm trong phổi hơn 60 năm
Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải bằng phương pháp nội soi lồng ngực, gắp đầu đạn nằm trong phổi hơn 60 năm cho bệnh nhân Trần T. (79 tuổi, trú tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh: TTXVN) |
Bệnh nhân Trần T. bị trúng đạn trong thời chiến tranh. Vị trí viên đạn nằm sâu trong phổi. Hơn 60 năm qua, ông T. bị đau ngực và ho dai dẳng. Ông T. cho biết, dù đã đi khám nhiều nơi, phát hiện có dị vật ở phổi nhưng vì tính chất phức tạp của bệnh nên các bệnh viện không can thiệp. Ông T. quyết định sống chung cùng đầu đạn.
Đến giữa tháng 1/2022, ông T. ho ra máu tươi lẫn máu cục nên đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ông được làm xét nghiệm, chụp X-quang, chụp CT ngực, phát hiện xẹp hoàn toàn thùy trên phổi phải, vùng trung tâm phổi xẹp có hình ảnh dị vật cản quang dạng kim khí kích thước 14x30mm.
Bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản, phát hiện có cục máu đông và bít hoàn toàn phế quản thùy trên phổi phái, máu tươi chảy ra từ đây. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, thiếu máu. Bệnh nhân đã được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực để cắt thùy trên phổi phải. Cuộc phẫu thuật diễn ra khó khăn do thùy trên phổi phải dính vào thành ngực, trung thất và thùy giữa phổi.
Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện Đà Nẵng) đã tiến hành gỡ dính, giải phóng thùy trên phổi phải ra các thành phần lân cận. Sau gần 3 giờ, các bác sĩ đã cắt thành công thùy trên phổi phải bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Chuyên khoa II Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đối với những trường hợp có mảnh kim khí trong phổi, nếu bệnh nhân ổn định, không có biến chứng, sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa và theo dõi. Nhưng với trường hợp bệnh nhân T., dị vật do đầu đạn nằm trong phổi đã hơn 60 năm, gây biến chứng xẹp hoàn toàn thùy trên phổi phải và chảy máu, nên phải dùng phương pháp điều trị ngoại khoa. Ngoài ra, bệnh nhân T. đã lớn tuổi, lại có rất nhiều bệnh kèm; dị vật gây dính phổi vào thành ngực và trung thất nên phẫu thuật để cắt thùy phổi càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho người bệnh, giải quyết thương tổn.
“Phẫu thuật nội soi sẽ giúp người bệnh ít đau, thời gian hồi phục sau mổ tốt. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, được áp dụng rất tốt đối với người bệnh già yếu”, bác sĩ Vũ cho biết thêm.
Gần 630.000 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật trong năm 2021
Theo báo Insider, Thế vận hội mùa Đông sắp tới thu hút sự chú ý đặc biệt đối với Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một báo cáo mới tiết lộ rằng họ đã kỷ luật 627.000 quan chức vào năm ngoái vì vi phạm kỷ luật và quy tắc.Một quan chức Trung Quốc bị xét xử do tội tham nhũng (Ảnh: Xinhua) |
Theo thống kê do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Kiểm soát Nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố, số các quan chức bị kỷ luật nhiều nhất trong năm qua thuộc cấp thấp, lãnh đạo thôn và doanh nghiệp.
Có khoảng 414.000 người như vậy, đồng thời chỉ có 36 người phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ở cấp cao hơn của các tỉnh và bộ.
Ấn phẩm lưu ý rằng nhìn chung nhiều quan chức bị trừng phạt vào năm 2021 hơn so với năm 2020, khi 604.000 công chức bị kỷ luật vì vi phạm các nguyên tắc của đảng.
Các vụ việc nổi cộm năm ngoái bao gồm hình phạt dành cho 47 quan chức ở các thành phố Trương Gia Giới và Nam Kinh do đã không xử lý tốt vụ bùng phát dịch COVID-19.
Các quan chức ở Tây An cũng bị kỷ luật do nguyên nhân tương tự khi họ "không làm tốt công tác" kiềm chế sự lây lan của dịch, dẫn đến hậu quả là toàn bộ thành phố 13 triệu dân bị đóng cửa kéo dài.
Insider chỉ ra rằng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đặc biệt tích cực trấn áp các quan chức nhằm mục đích diệt trừ tham nhũng./.