Tiếp tục chờ đợi và kỳ vọng
Đã có 548 bàn thắng được ghi trong 182 trận (trung bình 3,01 bàn/trận), cho thấy cuộc so tài giữa 14 đội khá sôi động. Các trọng tài đã rút ra 675 thẻ vàng, 39 thẻ đỏ phạt lỗi chơi xấu của các cầu thủ nói lên tính quyết liệt trong tranh đua.
Tuy nhiên, số lượng khán giả đến các sân cổ vũ trung bình hơn 6.000 người/trận, giảm hẳn so với năm 2015 (gần 7.500 người/trận). Đặc biệt, ở mấy vòng đấu cuối, một số trận đấu chỉ có từ một đến hai nghìn người đến sân vận động. Đã có ví von rằng, bóng đá và người hâm mộ như “cá với nước”, nhưng cá làm sao sống nổi nếu thiếu nước và khán giả chính là thước đo chính xác nhất cho chất lượng chuyên môn của các giải bóng đá ở mỗi quốc gia.
Có thể thấy, chất lượng chuyên môn giải năm nay chưa được nâng lên. Và đó là một trong những nguyên nhân chính khiến bóng đá Việt Nam khó bước sang một trang mới tươi sáng, và cũng là hệ lụy khiến chúng ta không “gặt hái” được thành công như mong muốn ở các cấp độ câu lạc bộ (CLB) và đội tuyển quốc gia tại “sân chơi” khu vực trong vài ba năm trở lại đây.
V-League đã bước sang mùa chuyên nghiệp thứ 16, song các CLB vẫn chưa thể tự “nuôi” được mình, phần lớn họ tồn tại nhờ sự “hà hơi tiếp sức” của các ông bầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự trồi sụt trong kinh doanh của các ông bầu đã tác động không nhỏ đến phong độ và thành tích của các đội bóng, cũng như sự phát triển của mỗi CLB. Chính vì lý do này, bóng đá nước nhà thiếu động lực để phát triển và vươn lên.
Ấn tượng nhất là CLB Hà Nội T&T. Sau bốn vòng đấu đầu tiên, họ còn xếp áp chót trên bảng xếp hạng, nhưng nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của tất cả các thành viên trong đội, Hà Nội T&T đã có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục để lần thứ ba đăng quang tại V-League, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập đội bóng.
Đáng tiếc nhất là CLB Hải Phòng. Các học trò của HLV Trương Việt Hoàng đã có một thời gian dài dẫn đầu bảng xếp hạng, nhưng đến giai đoạn nước rút lại hụt hơi. Thêm một lần nữa, Mùa xuân bóng đá lại chưa về trên đất Cảng.
Bên cạnh đó, các “chú ngựa ô”: Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa, QNK Quảng Nam, Sanna Khánh Hòa phần nào chứng tỏ được sức mạnh của mình khi đọ sức với các đội nằm trong tốp đầu, tạo nên sự cạnh tranh nhất định.
Nhìn tổng thể, V-League 2016 cho thấy một kết quả hợp lý khi các đội bóng được quan tâm đầu tư, phong độ ổn định, khao khát chiến thắng đều giành thứ hạng cao, trong khi những CLB thực lực yếu, tài chính hạn hẹp không đạt kết quả như mong muốn, hoặc phải xuống hạng. Thế nhưng điều này dường như lại không đúng với “gã nhà giàu” Becamex Bình Dương. Được đầu tư đầy đủ, lực lượng mạnh, song năm nay họ chơi sa sút, không còn mang dáng dấp đội bóng từng bốn lần đoạt cúp vô địch ở V- League.
Công tác tổ chức, bảo đảm an ninh, an toàn cho khán giả ở các sân vận động cơ bản hoàn thành. Nhưng việc điều hành của các "ông vua" trên sân cỏ còn hạn chế, mắc nhiều sai sót, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả một số trận đấu. Nhiều cuộc so tài quan trọng, Ban Tổ chức phải thuê trọng tài các nước trong khu vực và châu lục điều hành. Điều này cho thấy, đội ngũ cầm cân nảy mực chưa đồng đều, một bộ phận trọng tài còn yếu về năng lực cầm cờ và cầm còi, đạo đức nghề nghiệp dường như có vấn đề.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, V- League có khả năng phát triển, nhưng lại thiếu những con người làm bóng đá thực thụ, vì cái tâm, tình yêu nghề. Và nếu không có nhưng thay đổi, chuyển biến căn cơ trong thời gian tới thì e rằng “dấu lặng” của V-League trong một nền bóng đá èo uột khó có thể xóa hết ngay được!
Nỗi buồn của các cầu thủ Đồng Tháp khi phải xuống chơi ở giải hạng nhất mùa bóng năm tới.