Một lô kit test nhanh COVID-19 nhập lậu bị thu giữ ở Quảng Bình mới đây. Ảnh minh họa |
Hé lộ doanh nghiệp nhập khẩu kit test COVID-19 “khủng” hơn Việt Á
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 năm 2020-2021, Công ty CP Y tế Đức Minh nhập bộ test COVID-19 với tổng kim ngạch nhập khẩu 3.437 tỷ đồng. Công ty này đã phân phối cho 26 đơn vị mua test PCR và 586 đơn vị mua test nhanh; Hà Nội không còn xã, phường ở cấp độ dịch 3, 4
Tổng cục Hải quan vừa thông tin liên quan tới hoạt động nhập khẩu kit xét nghiệm COVID-19 của Cty CP Y tế Đức Minh (mã số thuế 0101150040, địa chỉ số 51, ngõ 205, ngách 323/83, đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Theo Tổng cục Hải quan, công ty trên thành lập năm 2001, đại diện ông Nguyễn Bình Minh - Tổng Giám đốc. Công ty hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng các hóa chất, chất xét nghiệm và máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán trong y tế.
Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh có tổng kim ngạch nhập khẩu trong 2 năm 2020 - 2021 khoảng 4.381 tỷ đồng. Các mặt hàng nhập khẩu chính của doanh nghiệp (DN) này trong 2 năm 2020-2021 gồm: Bộ test bệnh truyền nhiễm và hô hấp khác với tổng kim ngạch 902 tỷ đồng; Máy móc và các bộ phận phục vụ xét nghiệm với tổng kim ngạch 42 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty này còn nhập bộ test COVID-19 với tổng kim ngạch nhập khẩu trong 2 năm 3.437 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, với mặt hàng bộ test COVID-19 (gồm test COVID-19 nhanh tại chỗ và test xét nghiệm COVID-19 dùng cho máy PCR tại các bệnh viện, cơ sở y tế) được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Tây Ban Nha.
Trong đó, test COVID dùng cho máy PCR được doanh nghiệp nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc hơn 9 triệu test, với tổng trị giá khoảng 927 tỷ đồng. Cụ thể, test COVID dùng cho máy PCR được nhập khẩu từ Tây Ban Nha có số lượng 1,1 triệu test, giá khai báo trung bình từ 106.000 - 130.000 VNĐ/test, trị giá 121 tỷ đồng; test xét nghiệm COVID dùng cho máy PCR được nhập khẩu từ Hàn Quốc có số lượng 8,2 triệu test, giá khai báo trung bình từ 96.000 - 150.000 VNĐ/test, trị giá 806 tỷ đồng.
Test nhanh tại chỗ được công ty nhập khẩu từ Hàn Quốc khoảng 41 triệu test, giá khai báo trung bình khoảng 3,8 – 5,6 USD/test (khoảng 86.000 - 130.000 VNĐ/test), với tổng trị giá hơn 2.509 tỷ đồng.
Qua xác minh ban đầu của Tổng cục Hải quan, Công ty cổ phần Y tế Đức Minh nhập khẩu, kinh doanh bộ test COVID hoàn chỉnh (gồm test nhanh COVID tại chỗ và test COVID dùng cho máy PCR tại các bệnh viện, cơ sở y tế), phân phối cho các cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa, các công ty trên toàn quốc. Số lượng khách hàng cụ thể gồm 26 đơn vị mua test PCR và 586 đơn vị mua test nhanh với giá bán theo hóa đơn.
Trong đó, bộ test COVID-19 dùng cho máy PCR từ 250.000 - 395.000 VNĐ/test bán cho các đơn vị: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định; Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh; Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế; Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang; Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh; Công ty CP KH CN Thái Sơn; Công ty TNHH MTV BV ĐH Y dược Shing Mark; Công ty CP PKĐK Quốc Tế; Công ty TNHH An Bách Group.
Bộ test nhanh COVID-19 tại chỗ 198.000 VNĐ/test bán cho các đơn vị: Bệnh viện Quân y 175; Công ty CP Thang máy Gama; Bệnh viện ĐK Cao Su Dầu Tiếng; BV GTVT TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện TP Thủ Đức; Bệnh viện ĐK tỉnh Gia Lai; Phòng khám ĐK Thu Cúc- CN Công ty CP Y khoa & thẩm mỹ Thu Cúc; Bệnh viện Phổi Đồng Tháp.
Tổng cục Hải quan cho biết, giá bán trên do Cty CP Y tế Đức Minh đăng ký với Bộ Y tế tại Thông báo số 5288/BYT-TB-CT ngày 02/7/2021 về việc danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars - Cov).
Trả lời PV báo Tiền Phong chiều 11/2, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, qua rà soát tổng thể hoạt động nhập khẩu kit xét nghiệm COVID-19 và các trang thiết bị y tế của các DN 2 năm 2020-2021, nổi lên có Cty CP Y tế Đức Minh là một trong những DN nhập khẩu số lượng lớn nhất, hơn cả Việt Á. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra vụ việc.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm (2017 - 2021), Công ty CP Công nghệ Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng. Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm 162 tỷ đồng và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á bao gồm: Công ty CP xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty CP vật tư khoa học Biomedic, Công ty CP kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty CP công nghệ TBR.
Giá xăng tăng cao kỷ lục trong 8 năm trở lại đây
Giá xăng đồng loạt tăng trong ngày hôm nay. |
Từ 15h hôm nay (11/2), mỗi lít xăng E5 RON 92 được bán với giá 24.571 đồng/lít (tăng 981 đồng/lít); xăng RON95-III tăng thêm 962 đồng/lít với mức giá 25.322 đồng/lít.
Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu lần thứ 4 kể từ đầu năm nay. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng lên 24.571 đồng/lít (tăng 981 đồng/lít); xăng RON95-III tăng thêm 962 đồng/lít với mức giá 25.322 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh. Trong đó, dầu diesel 0.05S có giá 19.865 đồng/lít (tăng 965 đồng/lít). Dầu hỏa tăng 958 đồng/lít, có giá 18.751 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S gó giá 17.659 đồng/kg (tăng 666 đồng/kg).
Để có mức giá như trên, cơ quan điều hành điều chỉnh việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Cụ thể, liên bộ Công Thương – Tài chính trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Đồng thời, liên bộ chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Đây là lần thứ 4 giá xăng tăng liên tiếp và là lần tăng thứ 3 từ đầu năm 2022. Đợt tăng giá này được cơ quan điều hành lý giải do tác động của diễn biến giá thế giới tăng.
Đồng loạt khám xét nhà riêng, phòng làm việc của loạt cựu quan chức tỉnh Bình Thuận
Bộ Công an đang khám xét nhà riêng của ông Lương Văn Hải, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận. |
Sáng 11/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt đầu khám xét nhà riêng các cựu lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến những sai phạm tại dự án Tân Việt Phát 2.
Theo đó, sáng nay nhiều xe biển xanh đã đến nhà riêng ông Lương Văn Hải, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận tại số nhà 61 Thủ Khoa Huân, thành phố Phan Thiết. Buổi làm việc còn có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao và công an địa phương.
Trong khi đó, một tổ công tác khác của Bộ Công an đã đến trụ sở Sở Tài chính Bình Thuận. Tại đây, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an đã công bố quyết định khám xét nơi làm việc của bị can Ngô Hiếu Toàn, Phó giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận. Cùng thời điểm, Cơ quan CSĐT cũng đã tiến hành khám xét nhà riêng của bị can Ngô Hiếu Toàn trên đường Phạm Hùng, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết.
Ngoài ra, các tổ công tác của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đồng loạt tiến hành khám xét nhà riêng của các bị can Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó giám đốc Sở TN-MT.
Hôm qua 10/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 bị can, gồm Nguyễn Ngọc Hai (SN 1962 ở Phan Thiết, Bình Thuận), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải (SN 1960) nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm (SN 1960), nguyên Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh (SN 1980), nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn (SN 1977), nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Cả 5 bị can đều bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Hà Nội không còn xã, phường ở cấp độ dịch 3, 4
Hình ảnh tại cuộc họp UBND Tp Hà Nội. |
Theo thông tin công bố chiều 11/2, thành phố Hà Nội hiện không còn xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ 3, 4 về dịch COVID-19.
Cụ thể, theo bảng đánh giá cấp độ dịch của toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội, có 43 địa phương ở cấp độ 2, 536 địa phương còn lại ở cấp độ 1. Không có địa phương nào ở cấp độ 3, 4 về dịch COVID-19.
Cùng ngày, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 2.908 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 610 ca cộng đồng; 2.298 ca đã cách ly; phân bố tại 483 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (112 ca); Đông Anh (106 ca); Chương Mỹ (101 ca); Đống Đa (95 ca); Hoài Đức (94 ca)... Cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 165.817 ca mắc COVID-19.
Chiều 11/2, báo cáo tại hội nghị giao ban công tác phòng chống COVID-19, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ ngày 26/1 đến 10/2, trung bình thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (ghi nhận trung bình 2.902 ca/ngày).
Tuy nhiên, đây có thể là mức giảm "giả tạo". Trong tuần tiếp theo, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể ghi nhận số mắc tăng cao. Song, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Đại diện Sở Y tế cho biết, trong thời gian tiếp theo khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: Vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập mạnh. Vì thế, các địa phương cần theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi phát triển kinh tế và an ninh y tế.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà; các túi thuốc điều trị F0…
“Bộ tứ kim cương” QUAD ủng hộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do
Ngoại trưởng các nước nhóm "bộ tứ kim cương" QUAD, gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, tại cuộc họp báo ở Melbourne, Úc, ngày 11/2 - Ảnh: REUTERS |
Nhóm "bộ tứ kim cương" QUAD, gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ, cam kết hợp tác để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do. Đáp lại, Trung Quốc nói QUAD là công cụ để kềm chế Bắc Kinh, gây đối đầu.
Tuyên bố chung của QUAD đưa ra ngày 11-2 sau cuộc họp tại Melbourne, Úc, của ngoại trưởng 4 nước gồm Antony Blinken (Mỹ), Marise Payne (Úc), Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ) và Yoshimasa Hayashi (Nhật Bản).
Hãng tin Kyodo News dẫn tuyên bố cho biết các nước "ủng hộ trật tự tự do, cởi mở và bao trùm, dựa trên luật lệ quốc tế, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực".
Theo đó, QUAD khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trong lĩnh vực hàng hải là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm đối phó các thách thức về trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, bao gồm cả ở Biển Đông và biển Hoa Đông", tuyên bố viết.
Nhóm cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực để nâng cao năng lực đối phó với các vấn đề như đánh bắt bất hợp pháp và không được kiểm soát.
"Chúng tôi nhất trí tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và năng lực phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, cũng như chống lại các thách thức như đánh bắt bất hợp pháp", Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói sau cuộc họp của QUAD.
Ngoài ra, QUAD cam kết hợp tác trong các vấn đề khác như đối phó với đại dịch COVID-19, an ninh mạng và chống khủng bố. Nhóm cũng chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Phản ứng với cuộc họp của QUAD, Trung Quốc cho rằng nhóm này chỉ nhằm mục đích kềm chế Bắc Kinh. "Đây là một động thái cố tình nhằm gây ra đối đầu và phá hoại sự đoàn kết và hợp tác quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.